Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa mới ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cũng như UBND tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, rà soát lại tất cả dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở cao cấp đã được thông qua chủ trương đầu tư. "Kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, để hoang hoá", chỉ thị 11 nêu rõ.
Cần giải quyết ngay các thủ tục cho phép chuyển đổi đối với dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân, nhà ở xã hội. Phải hoàn thành công tác này trong quý 3/2019. Cùng với đó, các bộ, ngành cần phải đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng tại các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp trên địa bàn.
Giữa tháng 4 vừa qua, Thủ tướng cũng đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương thực hiện kiểm tra đối với dự án đô thị hơn 2.000ha bị bỏ hoang trên địa bàn huyện Mê Linh. Nguyên nhân khiến dự án không được triển khai theo kế hoạch được các chủ đầu tư đưa ra là do quy hoạch sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội hơn 10 năm trước đã khiến khâu giải phóng mặt bằng dự án gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các dự án này nằm bất động suốt hơn thập niên là do sự đóng băng của thị trường địa ốc sau đợt nóng sốt.
Một trong những dự án được triển khai đầu tiên tại Mê Linh với quy mô diện tích 41ha,
được quy hoạch hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề và chung cư. Ảnh: Giang Huy.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, tuy đã phục hồi nhưng thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cơ cấu hàng hóa có sự bất hợp lý khi rổ hàng cao cấp, giá cao dưa thừa, còn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội giá thấp lại đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần phải khẩn trương hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, nhằm khắc phục rủi ro này.
Đồng thời, thực hiện ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với loại hình nhà ở chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel) cũng như quy chế quản lý, vận hành officetel. Cũng trong quý 3/2019, Bộ Xây dựng phải hoàn tất các nội dung này.
Về vấn đề quản lý đất đai, Thủ tướng yêu cầu, trong quý 3/2019, Bộ Tài nguyên & Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất với một số loại hình bất động sản mới như condotel, resort villa, officetel... Cũng cần cập nhật đến chế độ sử dụng đất, tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất của các loại hình bất động sản trên trong nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Về giải pháp huy động nguồn lực cho thị trường bất động sản, giảm sự phụ thuộc về mặt tài chính vào các nhà băng và chống lại đầu cơ địa ốc, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ nghiên cứu một số định chế tài chính như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản... Cần hoàn thành các đề xuất này trong quý 3/2019.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cần có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ đối với tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản, khuyến khích các ngân hàng rót tín dụng vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, nhà cho thuê.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần phải thực hiện các biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời để không xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản, giúp bình ổn thị trường.
Các địa phương cần lưu ý, nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở dành cho các đối tượng công nhân, sinh viên, có các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa... khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp mới trên địa bàn, đảm bảo quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, các tỉnh cần phải bố trí thêm nguồn lực để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội. Đối với nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương, địa phương hoàn toàn có quyền được sử dụng vào mục đích đầu tư, phát triển cho nhà ở xã hội trên địa bàn.
<Nguồn vnexpress>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét